Robot Ai-Da, một nghệ sĩ AI có khả năng vẽ tranh, vừa “chốt đơn” bức chân dung nhà khoa học huyền thoại Alan Turing với giá cao ngất ngưởng, hơn 1 triệu USD tại buổi đấu giá của Sotheby’s. Có lẽ, ít ai ngờ rằng một tác phẩm của robot lại có thể đạt mức giá khủng như thế, và đó cũng là kỷ lục mới trong giới nghệ thuật AI. Và dường như đã đến lúc các họa sĩ nên lo dần đi là vừa!
Hành trình “chốt đơn” triệu đô của họa sĩ robot
Bức tranh với tên gọi “AI God: Portrait of Alan Turing” được Sotheby’s tổ chức đấu giá ở New York vào ngày 7/11. Ban đầu, nhà đấu giá nổi tiếng kỳ vọng chỉ thu về tầm 120.000 – 180.000 USD, nhưng nhờ sự hăng hái của 27 tay chơi nghệ thuật mà mức giá đã phi mã lên 1,08 triệu USD. Một người mua giấu tên đã “hạ gục” tất cả để sở hữu tác phẩm độc đáo này.
Robot Ai-Da bên cạnh các tác phẩm của mình
Alan Turing, nhân vật trong bức tranh, là nhà toán học, chuyên gia giải mã và là cha đẻ của ngành khoa học máy tính. Cái nhìn của ông về sự phát triển của AI từ những năm 1950 đã dự báo trước một tương lai mà chúng ta đang sống, khiến bức tranh trở nên vô cùng ý nghĩa. Chủ phòng tranh Aidan Meller, “cha đẻ” của Ai-Da, bày tỏ hy vọng rằng tác phẩm này sẽ phản ánh đúng con đường loài người đang đi tới.
Được tạo ra từ năm 2019 nhờ sự hợp tác giữa Meller và một công ty chế tạo robot ở Cornwall, Anh, Ai-Da đã khiến giới nghệ thuật phải đặt ra câu hỏi: Liệu tương lai của sáng tạo có thuộc về máy móc? Sở hữu khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ lớn, cánh tay linh hoạt và đôi mắt máy ảnh, Ai-Da có thể phân tích ảnh chân dung, phác thảo từng chi tiết rồi hoàn thành tác phẩm qua những nét vẽ chính xác như thật.
Những bức tranh này mô tả nhà khoa học máy tính, nhà toán học và chuyên gia giải mã người Anh Alan Turing
Quá trình tạo ra “AI God” của Ai-Da thực sự là kỳ công. Đầu tiên, Ai-Da được “bàn bạc” về chủ đề AI vì mục đích tốt, sau đó quyết định vẽ chân dung Turing. Mỗi phần của bức tranh, từ chi tiết trên khuôn mặt đến Máy Bombe – cỗ máy giải mã Turing phát minh, đều được Ai-Da “phác thảo” trong 6-8 giờ. Tuy nhiên, do cánh tay chỉ vẽ trên vải nhỏ, nên kết quả cuối cùng phải in trên tấm vải lớn hơn bằng công nghệ in 3D.
Nghệ thuật và sự trỗi dậy của AI
Sau khi bán được với giá “trên trời”, tác phẩm nghệ thuật của Ai-Da đã làm dậy sóng làng nghệ thuật và đánh dấu cột mốc mới cho nghệ thuật do AI sáng tạo. Theo Meller, phát minh này giống như máy ảnh đã từng làm thay đổi nghệ thuật – chỉ là lần này, trí tuệ nhân tạo lại có sức ảnh hưởng mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải ai cũng cho đây là “kỳ quan” nghệ thuật. Nhà phê bình Alastair Sooke của The Telegraph chẳng ngại ngần gọi Ai-Da là “phiên bản tinh vi của những động vật trang trại muốn vẽ như Picasso.” Theo ông, sự kiện này chỉ đơn thuần là một trò giải trí để “kéo đám đông tới xem những gì robot có thể làm.”
Meller tin rằng sự xuất hiện của Ai-Da là lời cảnh báo về hướng đi mà xã hội đang nhắm đến. “Thế giới hậu con người” đang tới gần, nơi mọi quyết định ngày càng phụ thuộc vào các thuật toán. Ông nhấn mạnh, tác phẩm của Ai-Da không chỉ là nghệ thuật mà còn mang ý nghĩa như một tấm gương cho xã hội soi vào.
Trước khi bắt đầu bất kỳ tác phẩm nào, Ai-Da luôn “tranh luận” với người sáng tạo về chủ đề, phong cách, và bố cục. Meller cũng cho biết, công nghệ của Ai-Da luôn được cập nhật để theo kịp xu hướng. “Cô ấy”, với vẻ ngoài nữ tính và giọng nói dịu dàng, đã từng làm thơ, điêu khắc, vẽ tranh tự họa và thậm chí còn phát biểu tại Thượng viện Anh.
Sotheby’s cho rằng giá trị cốt lõi trong công việc của Ai-Da là kích thích đối thoại về công nghệ AI. Trong một tuyên bố, Ai-Da “phát biểu” rằng, bức tranh “AI God” khuyến khích người xem suy ngẫm về “bản chất giống như thần thánh của AI và những tác động xã hội của nó”.
Với thành công vang dội của tác phẩm “AI God”, có lẽ tương lai của nghệ thuật sẽ không chỉ còn là câu chuyện của người sáng tạo nữa. Họa sĩ đích thực hay chỉ là thuật toán tài năng? Ai mà biết được. Nhưng có lẽ các họa sĩ truyền thống nên bắt đầu… lo lắng rồi đấy.